HỖ TRỢ PHỤ NỮ NGHÈO CẢI THIỆN SINH KẾ VỚI NGHỀ DỆT THỔ CẨM

Công trình mà Hội Từ Tâm Đắk Lắk thực hiện ngay trong năm đầu tiên khi mới thành lập, là ngôi nhà sàn tặng nhóm thợ dệt thổ cẩm ở Buôn Hra Ea Hning cuối tháng 8/2022, giúp các chị cải thiện sinh kế. Sau đó Hội mở nhiều lớp dạy nghề miễn phí khác cho nhiều phụ nữ là Hội viên Chi hội Gia đình trẻ bại não Đắk Lắk. Tiếp nối chương trình, tháng 3/2025 Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk trở lại hỗ trợ nghề dệt thổ cẩm với lớp tập huấn “Nâng cao kỹ thuật dệt may thổ cẩm ” cho phụ nữ Ê Đê 3 Buôn thuộc xã Hòa Xuân, ngoại thành Buôn Ma Thuột.

Tháng 6/2022, khi tận mắt chứng kiến cảnh các chị thợ dệt cao tuổi yêu nghề phải ngồi dệt dưới 1 chái nhà trống bốn bề mượn tạm, không che nổi nắng mưa, Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã lên kế hoạch tặng nhóm thợ dệt này một căn nhà sàn. Gom góp khoản tiền được ủng hộ tại Đại hội lần thứ I từ các nhà tài trợ: Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk, chị Trương Thị Mộng Thơ, anh Cấn Đức Vượng, Hội hợp tác với Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh tổ chức Đêm nhạc “Điều kỳ diệu từ trái tim”, mời một số nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn không nhận cát sê, để góp thêm kinh phí xây dựng nhà sàn.

    

Đêm nhạc hấp dẫn với nhóm nghệ sĩ tài danh đến từ Hà Nội, từ trái qua: Accordion Player Quang Mai, NSND-Ca sĩ Rơ Chăm Phiang, Guitarist Đăng Quang …

Và những tiết mục xuất sắc của cặp đôi ca-nhạc sĩ Nguyễn Đông-Hoàng Trang, Đông Hùng, Minh Chi, Thanh Loan, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk…

Hội Từ Tâm Đắk Lắk còn vận động nhà nghiên cứu độc lập La Quốc Bảo thiết kế tặng chương trình 2 đôi giày thổ cẩm, để bán đấu giá, góp thêm tiền làm nhà sàn.

 

Hai đôi giày xinh đẹp, độc bản, đã thuộc về người đẹp H’Bella sau một phiên đấu giá đầy kịch tính, vừa góp thêm vốn làm nhà sàn, vừa góp phần quảng bá thời trang thổ cẩm độc đáo.

Ngôi nhà được xây dựng trên phần đất công tại trung tâm Buôn Hra Ea H’Ning, với 2 tháng thi công phi lợi nhuận của Công ty THHH Đại Nam, phần tài trợ khoan giếng và lắp đặt các thiết bị phụ trợ của Công ty TNHH SXTMDV XNK Đăng Phong, công làm phim tặng ảnh của team Media 47 thuộc Công ty TNHH VTTM Long Vân Limousine, nhiều phần quà khác của các nhóm bạn nhân ái. Trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, ngôi nhà sàn đã được Hội Từ Tâm Đắk Lắk, Sở VH-TT-DL bàn giao cho nhóm thợ dệt, trong tiếng cồng chiêng rộn rã và niềm vui không chỉ của Buôn Hra Ea Hning.

Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã nhiều lần trở lại thăm tổ thợ dệt Buôn Hra Ea H’Ning, tặng quà cho học sinh, tặng cây trồng quanh nhà sàn, hỗ trợ tổ thợ dệt kết nối đầu ra. Ai cũng vui mừng chứng kiến sự đổi thay tốt đẹp trong cuộc sống và cách phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ nơi đây. Từ mức thu nhập chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng/ người năm 2022, tới năm 2024-2025 các chị đã lần lượt đạt mức thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm được 6-7 triệu đồng/người mỗi tháng.

Nhờ kết nối được nhiều nguồn giúp đỡ, cố gắng nâng cao kỹ năng và chất lượng sợi dệt, trong đó có công tiêu thụ và tạo mẫu thời trang của Hợp tác xã Dệt May thổ cẩm Ami Sia, mô hình phát triển nghề dệt thủ công truyền thống tại nhà sàn Buôn Hra Ea Hning đã đạt những kết quả tốt đẹp, tạo cảm hứng phấn đấu vươn lên cho nhiều nhóm dệt thổ cẩm khác.

Tháng 3/2025, Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk bảo vệ thành công dự án mở khóa tập huấn “Nâng cao kỹ thuật dệt-may thổ cẩm truyền thống Ê Đê” cho phụ nữ nghèo 3 Buôn thuộc xã Hòa Xuân, ngoại thành Buôn Ma Thuột. Nguồn tài trợ dự án đến từ Hội đồng Anh tại Việt Nam, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản Văn hóa (CCH) có trụ sở tại Hà Nội.

Nhờ sẵn có ngôi nhà sàn mới của đôi vợ chồng trẻ Y Niwa Byă-H’Đrinh Niê tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ở Buôn Buôr, khóa tập huấn thuận lợi thu hút 18 học viên, 3 nghệ nhân dạy nghề Dệt-May thổ cẩm; Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk còn mời được 4 chủ nhà may uy tín trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột là các chị Ngọc Sương, Ngọc Hoa, Thiên Trang, Thanh Thủy đến hướng dẫn lớp các kỹ thuật cắt may, vắt sổ, tạo mẫu sản phẩm.

Ngày 27/3, cả Lớp được đón các nhà tài trợ từ Hà Nội vào thăm. Chị Nguyễn Thị Thu Hà-Chuyên viên điều phối các chương trình nghệ thuật của Hội đồng Anh cảm động chia sẻ : Cá nhân chị rất vui mừng thấy Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk đã tổ chức tốt khóa học, đem lại nhiều lợi ích cho các bên, chương trình được nhiều phụ nữ các buôn làng tích cực hưởng ứng, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho khóa tập huấn được triển khai hiệu quả. ThS. Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa bày tỏ mong muốn kết quả của khóa học sẽ tiếp tục được cộng đồng địa phương gìn giữ, hỗ trợ để nghề dệt may thổ cẩm tại xã Hòa Xuân ngày càng phát triển.

Lịch học chính thức của Lớp chỉ có 1 tuần, từ 24/3 đến 29/3/2025, nhưng thời gian chuẩn bị, dạy và học thực tế kéo dài tới 3 tuần. Các cô dạy càng tận tình chu đáo, học viên càng chăm chỉ tiếp thu, nghiêm túc thực hành. Nhờ đó, khi kết thúc khóa học, nhiều học viên đã tự tạo được mẫu sản phẩm thổ cẩm đạt tiêu chí thời trang, đẹp mắt và tiện dụng.

Tại buổi lễ tổng kết lớp tập huấn, học viên nào cũng được khen thưởng, nhận quà. Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk trao Chứng nhận Tấm Lòng Vàng tri ân các anh chị Tình nguyện viên đã tích cực hỗ trợ các khóa dạy nghề miễn phí giúp phụ nữ nghèo cải thiện sinh kế, do Quỹ tổ chức suốt 2 năm qua. Buôn làng vui mừng liên hoan, tiếng cồng chiêng rộn rã. Tất cả hẹn gặp lại trong khóa đào tạo các bạn trẻ yêu thời trang thổ cẩm, sẵn sàng kế thừa, tiếp nối học nghề dệt-may, có thể vào mùa hè tới, để các phụ nữ và nghệ nhân Ê Đê cao tuổi yên tâm nghề dệt thổ cẩm truyền thống chẳng những không bị thất truyền mà còn có thể phát triển ngày càng tốt hơn.

* Khóa tập huấn này nằm trong Chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng (Cultural Heritage Grant Programme), là sáng kiến của Hội đồng Anh tại Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH), có mục đích hỗ trợ các cộng đồng và cá nhân nắm giữ, thực hành di sản nhận diện và giải quyết các thách thức trong bảo vệ di sản văn hóa hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, chương trình có mục tiêu thúc đẩy vai trò, quyền chủ thể và sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích tạo cơ hội nâng cao sinh kế cho cộng đồng thông qua di sản.
Trong năm 2025, Chương trình CHGP quyết định hỗ trợ 9 nhóm dự án:
1. Dự án “Nâng cao kỹ thuật dệt – may cho thợ dệt thổ cẩm Buôn Buôr (xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột)” của Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk.
2. Dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ Hmong ở Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình từ kỹ thuật thủ công truyền thống” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
3. Dự án “Phục hồi kỹ thuật dệt truyền thống “Tằm Hục Màn” của người Thái Dọ tại các bản làng người Thái ( huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An)” của Hoa Tiến Brocade.
4. Dự án “Sưu tầm và lưu trữ truyện cổ các dân tộc Chăm, Thái, Khmer, Tày ở Bình Thuận, Điện Biên, Sóc Trăng và Thái Nguyên” của Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam.
5. Dự án “Phục hồi nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương)” của Hội bảo tồn và phát huy nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu.
6. Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng làng Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai)” của chị Ká Tuyền.
7. Dự án “Photovoice – Ghi lại văn hóa địa phương của người Thái ở bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An)” do bạn Nguyễn Thị Bích Ngọc làm đại diện.
8. Dự án “Trao truyền nghệ thuật chạm khắc vật dụng thiêng bằng kim loại trong nghi lễ cho thế hệ trẻ Chăm (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận)” của anh Thập Hồng Luyện.
9. Dự án “Phát triển Hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, thành phố Huế)” do bạn Mai Ly làm đại diện

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]
bannerquangcao